Tuyến đường từ QL1 đi Đầm Môn vừa được khánh thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển KKT Vân Phong
Theo BQL KKT Vân Phong, trong thời gian tới, KKT Vân Phong sẽ tập trung thu hút đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo; lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực đại dương, hàng hải, công nghệ sinh học, dược liệu biển và sinh thái biển với quy mô vốn đầu tư từ 1.500 tỉ đồng trở lên. Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính phải có quy mô vốn đầu tư từ 12.000 tỉ đồng trở lên; đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị với quy mô diện tích đất từ 300 ha hoặc có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên. Ngoài ra, mảng công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, cơ khí chính xác, chế biến dầu khí, điện tử, khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở KKT Vân Phong cũng chỉ thu hút các dự án có quy mô vốn đầu tư trên 6.000 tỉ đồng. Mục tiêu năm 2023, KKT Vân Phong sẽ thu hút đầu tư mới với tổng vốn đăng ký khoảng 30.000 tỉ đồng.
Nhiều doanh nghiệp "đại bàng" quan tâm đầu tư vào KKT Vân Phong
Theo Ban quản lý KKT Vân Phong, tại khu vực nam Vân Phong một số dự án công nghiệp có quy mô lớn đã và đang triển khai. Hiện cũng có nhiều doanh nghiệp "đại bàng" quan tâm đầu tư vào KKT Vân Phong, tiêu biểu như: Tập đoàn Sungroup, Công ty Flamingo Holding, Công ty CP SSI, Công ty CP Dầu khí Phương Đông, Công ty CP Shinec, Công ty CP Tân cảng Sài Gòn, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam, Tổng Công ty Sonadezi...
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã lên kế hoạch để lựa chọn nhà đầu tư vào 2 dự án trọng điểm cùng 9 dự án "khủng" tại KKT Vân Phong.
Đáng chú ý là dự án đầu tư xây dựng khu đô thị (KĐT) đa năng cao cấp Đầm Môn rộng 1.000 ha, dự kiến sẽ hoàn thành các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 2.2024 và chấp thuận nhà đầu tư vào tháng 3.2024.
Một góc KKT Vân Phong
Dự án đầu tư xây dựng KĐT đa năng Cổ Mã - Tu Bông khoảng 1.200 ha dự kiến lựa chọn nhà đầu tư vào tháng 5.2024 và chấp thuận nhà đầu tư trong tháng 6.2024.
Ngoài ra, còn có dự án đầu tư xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf Hòn Lớn khoảng 1.600 ha dự kiến lựa chọn nhà đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư trong tháng 8 và tháng 9.2024.
Cuối cùng là dự án khu hỗn hợp dịch vụ, du lịch cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp núi Khải Lương khoảng 400 ha. Dự án dự kiến lựa chọn nhà đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư trong tháng 8 và tháng 9.2024.
Tỉnh Khánh Hòa cũng đã có biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư dự án du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf Hòn Lớn - Khải Lương, vốn đầu tư 25.000 tỉ đồng của Công ty CP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà.
Cùng với đó là biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư KĐT sinh thái nghỉ dưỡng suối khoáng nóng và dịch vụ phụ trợ Cổ Mã - Tu Bông, vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng của Công ty TNHH Mặt trời Phú Quốc và biên bản nghiên cứu đầu tư xây dựng trung tâm cảng biển - đô thị Đầm Môn của Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long, vốn đầu tư 11.000 tỉ đồng của Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long.
Một góc TT.Vạn Giã, H.Vạn Ninh
Theo lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, việc phát triển KKT Vân Phong chính là sự vận dụng và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 55 của Quốc hội, góp phần thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư, hướng tới mục tiêu phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo Ban quản lý KKT Vân Phong đẩy nhanh công tác quy hoạch phân khu; hỗ trợ, đôn đốc tiến độ triển khai xây dựng các dự án lớn, đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 55 (đặc biệt là cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược) nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn, giúp khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển của KKT Vân Phong.